Nguồn cung thịt gia súc, gia cầm, trứng được dự báo dồi dào, giá không tăng mạnh. Bên cạnh đó, vấn đề an toàn thực phẩm đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tăng cường để đảm bảo nguồn cung thịt hợp vệ sinh cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.
Đây là những thông tin mà ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã chia sẻ.
Xin ông cho biết công tác chuẩn bị nguồn cung thịt gia súc, gia cầm, trứng… để phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán đã được thực hiện như thế nào?
Nguồn cung thịt năm nay được dự báo khá dồi dào, khoảng vài triệu tấn các loại, hơn 2 tỷ quả trứng cho dịp Tết. Thậm chí, nếu có điều kiện có thể xuất khẩu. Nguồn cung dồi dào là do tăng trưởng chăn nuôi năm nay là cao nhất trong 10 năm trở lại đây với mức tăng hơn 5%. Thứ hai, công tác giống đã có bước đột phá. Chúng ta đã nhập khoảng 7.400 con lợn giống của các nước phát triển nhất trên thế giới như: Mỹ, Canada, Đan Mạch, Pháp, một số lợn giống nhập đầu năm đã cho sản phẩm. Theo tính toán, mỗi năm Việt Nam phải bổ sung khoảng 1 triệu con lợn nái thì chúng ta đã có thừa và hoàn toàn có thể thay thế thêm số lượng lợn nái hiện có, để có đàn nái sản xuất tốt nhất. Do vậy, Việt Nam có thể đảm bảo 100% giống lợn thuộc loại tốt nhất của thế giới.
Ngoài ra, với các loại đại gia súc, Việt Nam cũng chủ động được nguồn giống bằng công tác thụ tinh nhân tạo (1,2 triệu liều) và nhập khẩu (khoảng 2,5 triệu liều) đủ để thụ tinh cho 100% đàn bò sữa và 45% đàn bò thịt. Ngoài ra, còn giống sản xuất trong dân. Giống gia cầm cũng chủ yếu được sản xuất trong nước, gà màu do các tập đoàn lớn trong nước tự sản xuất giống. Gà trắng được nhập ít hơn so với hàng năm, giảm 21%. Ví dụ, mọi năm nhập 3,1 triệu con thì năm nay chỉ nhập 2,7 triệu con, chứng tỏ số lượng gà trong nước tăng lên vì tổng đàn gia cầm tăng rất mạnh khoảng 8%. Chăn nuôi gia cầm vẫn giữ nhịp độ đứng đầu Đông Nam Á về số lượng, đặc biệt là vịt, trứng vịt, dao động 70-90 triệu con/năm.
Vấn đề an toàn thực phẩm đang được dư luận rất quan tâm, xin ông cho biết công tác kiểm tra của Bộ NN&PTNT trong thời gian tới như thế nào?
Năm nay, vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được Bộ NN&PTNT đặc biệt chú trọng. Trong tuần qua, Bộ đã cử hai đoàn công tác đi các tỉnh trọng điểm để kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến. Trong tuần này, các đoàn công tác sẽ đi thêm 2 tỉnh để kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm, đây cũng là “hồi chuông” đánh tiếng cho người tiêu dùng biết và giám sát chất lượng thực phẩm. Nếu cơ sở nào không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ được công bố công khai, ngươi tiêu dùng sẽ không sử dụng sản phẩm của đơn vị đó nữa.
Thực tế, người chăn nuôi đã chú trọng đến vấn đề an toàn thực phẩm. Qua làn sóng tẩy chay sử dụng chất cấm, kháng sinh, người chăn nuôi đã “thấm thía”, phải làm đúng và đảm bảo vệ sinh. Những đơn vị “làm bậy” đã bị phát hiện, nhiều nơi người dân cũng có ý thức hơn, vì nếu bị phát hiện sẽ mất nghiệp, mất uy tín.
Bộ NN&PTNT sẽ làm gì để giúp người sản xuất kết nối với thị trường, người tiêu dùng, không để bị tư thương ép giá?
Hiện nay, đã bắt đầu xuất hiện nhiều liên kết mới theo hướng liên kết dọc, là liên kết giữa doanh nghiệp, người sản xuất và thị trường, hình thành được một số chuỗi đã cơ bản, nổi bật tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, trong nông nghiệp đã hình thành nhiều tập đoàn sản xuất lớn được nhiều người biết tới như: Ví dụ TH True Milk áp dụng công nghệ tiên tiến nhất thế giới của Israel, New Zealand, thậm chí còn sản xuất ở bên Nga, quản lý đến từng cá thể, từng phút. Dabaco áp dụng công nghệ tiên tiến của Đức tự động hoàn toàn, nhà máy sản xuất trứng có 1 triệu gà đẻ nhưng chỉ có vài công nhân. Hòa Phát, Hùng Vương ứng dụng công nghệ Đan Mạch… Bên cạnh đó, viêc phát triển từ gia trại lên trang trại có thương hiệu đang được tiến hành rất mạnh, nhiều trang trại chăn nuôi đã được nhiều người biết tới và trở nên phổ biến trong các tỉnh và cả nước.
Xin cám ơn ông!
Nguồn tin: Báo Tin Tức