Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty CP Tập đoàn Dabaco, Công ty Massan, Tập đoàn Japfa là những đơn vị tiên phong cam kết giảm giá bán thức ăn, thuốc thú y, con giống, sản phẩm thịt heo để góp phần cứu ngành chăn nuôi heo đang trong tình cảnh “bi thảm”.
Đụng khâu nào cũng kém?
Tại Hội nghị tìm giải pháp ổn định phát triển chăn nuôi tổ chức ngày 24.4, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường thừa nhận giá thịt heo đã giảm sâu kỷ lục, mức giá 25.000 đồng/kg đang là thấp nhất thế giới. Hội nghị có sự tham gia của gần 30 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và chế biến. Tin vui là một số doanh nghiệp đã cam kết đưa ra chương trình hành động nhằm cứu ngành chăn nuôi heo.
»› Cập nhật thông tin giá heo hơi trong thời gian qua
»› Giá heo hơi tại một số nước trên thế giới
Đánh giá về tình hình nguy cấp của ngành chăn nuôi, lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết hiện nay các sản phẩm chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản trong nước đã vượt xa sức tiêu thụ của thị trường nội địa. Trong đó đặc biệt là mặt hàng thịt heo đang đối mặt với những bất lợi rất lớn về thị trường. Nếu tình trạng này kéo dài thì phần lớn các hộ chăn nuôi và ngay cả những hộ trang trại lớn cũng sẽ không trụ được, kéo theo nhiều hệ lụy đối với các hoạt động kinh doanh đầu vào của ngành chăn nuôi.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận: “Tổ chức ngành hàng của chúng ta chưa tốt. Hiện nay chúng ta mới có 45% trang trại quy mô vừa và lớn, 55% vẫn sản xuất nhỏ lẻ nên dẫn tới giá thành cao, không có điều kiện sản xuất chuỗi. Sản xuất nhỏ tách rời tất cả các khâu nên khi thị trường có rủi ro, người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Hiện nay mới chỉ có một số tập đoàn lớn có chế biến sâu, phần lớn các doanh nghiệp trong ngành đang bỏ quên việc này”.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng chỉ rõ: “Khâu tiêu thụ, tổ chức thị trường nội địa và xuất khẩu cũng còn nhiều yếu kém, mới chỉ tiếp cận được một số ít thị trường như Hongkong, Singapore. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ thịt lớn rất lớn, nhưng chúng ta cũng chưa tiếp cận được thị trường này theo đường chính ngạch”.
Trong khi giá thịt heo hơi đang giảm sâu thì giá thức ăn vẫn ở mức cao, đây là một trong những yếu tố đẩy người nuôi xuống bờ vực phá sản. Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi (TĂCN) tính toán, hiện nay giá TĂCN hơn 9.000 đồng/kg, 2,8-3,2kg thức ăn mới được 1kg thịt hơi. Và với giá bán như hiện nay thì chắc chắn người chăn nuôi lỗ nặng. Do đó, các doanh nghiệp TĂCN cần chia sẻ những khó khăn hiện tại với người chăn nuôi.
»› Ngừng nhập thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh kích thích sinh trưởng
Chờ hành động của doanh nghiệp
Trước tình trạng ngành chăn nuôi đang ở trong thế “nước sôi, lửa bỏng”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: “Trước mắt phải giảm ngay yếu tố đầu vào, hạ giá thành cám, giống, thuốc thú y. Đây là vấn đề đầu tiên và các doanh nghiệp cần thực hiện ngay tức thì bằng cách rà soát lại các công đoạn quản trị, quy trình sản xuất. Thậm chí lúc này doanh nghiệp có thể bán hàng không cần lấy lãi nhằm chia sẻ với người chăn nuôi. Sự chia sẻ này chính là cách chúng ta nuôi dưỡng, duy trì sự bền vững của ngành hàng và đối tượng phục vụ của mình”.
»› Điểm sáng chăn nuôi: Heo sạch được bao tiêu
“Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chế biến cũng cần đẩy mạnh thu mua heo cho bà con để tạm trữ kho lạnh phục vụ chế biến. Nếu doanh nghiệp cùng đồng hành thì tôi tin sự khó khăn của nông dân sẽ được chia sẻ” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Trước lời kêu gọi của người đứng đầu ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực TĂCN và chế biến cam kết sẽ ngay lập tức hạ giá bán TĂCN, thuốc thú y, con giống... Ông Vũ Anh Tuấn – Phó Tổng Giám đốc cấp cao Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam khẳng định: “Công ty đã giảm giá bán TĂCN từ tháng 4, chúng tôi xin hứa sẽ tiếp tục tính toán và hạ giá bán con giống trong vài ngày tới”.
Tương tự, ông Phạm Văn Học – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam chia sẻ: “Ngay từ tuần trước Dabaco đã giảm giá thức ăn từ 5-7% cho người chăn nuôi, giá bán heo giống cũng bắt đầu giảm. Dabaco còn tăng cường các biện pháp kỹ thuật hỗ trợ người chăn nuôi để họ hiểu rõ vấn đề an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh. Thời gian tới Dabaco sẽ tiếp tục nghiên cứu giảm giá đầu vào thức ăn, giống nếu tình hình vẫn khó khăn”.
Ông Phạm Văn Học cũng cho biết trong năm nay Dabaco sẽ xây dựng nhà máy chế biến thịt heo. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ tiêu thụ khá lớn thịt heo trong dân. Để giúp ngành chăn nuôi heo phát triển bền vững hơn, ông Học kiến nghị: “Bộ NNPTNT sớm xây dựng kênh thông tin, dự báo thị trường để giúp người chăn nuôi, doanh nghiệp nắm được nhu cầu, từ đó chủ động trong sản xuất. Hiện nay thông tin về thị trường, giá cả của Bộ NNPTNT còn thiếu và chậm, Bộ chưa quyết liệt làm nên bà con mơ hồ trong việc nắm bắt thông tin, chỉ biết giá tốt thì tăng đàn”.
- Thời gian tới Bộ NNPTNT sẽ cùng Bộ Ngoại Giao, Công Thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại các mặt hàng thực phẩm, trong đó có heo sang các nước ASEAN. Riêng thị trường Trung Quốc, sắp tới đây Bộ NNPTNT sẽ có nhiều hoạt động đàm phán để mở rộng giao thương các mặt hàng nông sản, thịt heo, sữa
- Đầu tư kho lạnh, chế biến đa dạng sản phẩm: Doanh nghiệp chúng tôi đang tăng hiệu suất sinh đẻ của nái, sao cho nái đẻ nhiều hơn, cùng với đó chúng tôi cũng hỗ trợ nái giống cho các hộ chăn nuôi tầm trung trở lên; các hoạt động khuyến mãi giảm giá được đẩy mạnh. Chúng tôi cũng đang tiến hành đầu tư kho lạnh, trong tương lai sẽ giúp lưu trữ nhiều hơn thực phẩm chế biến nói chung và thịt heo nói riêng; đồng thời nghiên cứu đưa sản phẩm thịt heo vào các sản phẩm chế biến khác như mì ăn liền, chế biến gói thịt tiện lợi dùng sẵn, xúc xích, dăm bông… nhằm tăng sản lượng tiêu thụ thịt heo.
- Giảm lượng heo hơi đưa ra thị trường:Giảm lượng heo hơi đưa ra thị trường: Lượng heo tồn đọng đang quá nhiều, nhất là heo quá lứa. Lúc này, muốn chặn đứng đà giảm giá và đưa giá tăng trở lại, thì một trong những yếu tố quan trọng nhất là phải giảm mạnh sản lượng heo hơi đưa ra thị trường trong mấy tháng tới.
- Vấn đề đặt ra là giảm sản lượng heo hơi bằng cách nào? Nhiều hộ chăn nuôi đã chọn giải pháp không tái đàn, “treo chuồng” sau khi cắn răng bán hết lứa cũ, chấp nhận lỗ. Nhưng với các trang trại chăn nuôi lớn, doanh nghiệp đã gây dựng được đàn heo nái, thì vẫn phải duy trì chăn nuôi ở quy mô nhất định vì heo con vẫn tiếp tục được sinh ra. Ngoài ra, còn phải duy trì để giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, thực hiện các hợp đồng đã ký… Do đó, bên cạnh việc giảm đàn heo nái, các chủ trang trại cần loại thải những con nái đã già, con nái có năng suất thấp (dưới 10 con/lứa). Cách này vừa làm giảm áp lực tăng đàn heo thịt, vừa củng cố chất lượng đàn heo giống.
- Cấm hẳn việc tạm nhập tái xuất sản phẩm thịt: Về đề xuất tạm dừng các hoạt động tạm nhập tái xuất sản phẩm thịt qua Việt Nam của Bộ NNPTNT, theo ý kiến tôi không phải dừng, mà cần cấm hẳn. Mỗi năm có khoảng 3 triệu tấn thực phẩm đông lạnh vào thị trường nội địa theo cơ chế tạm nhập - tái xuất, song thực tế có không ít người đã lợi dụng việc tạm nhập tái xuất sản phẩm thịt để tuồn thực phẩm bẩn vào thị trường trong nước, làm nguồn cung trong nước tăng lên.
- Hiện tại ngành chăn nuôi Việt Nam đang dư thừa, vậy mà không hiểu sao quý 1 vừa qua các ngành chức năng vẫn cho nhập tới hơn 7.000 tấn thịt heo đông lạnh? Ngành gia cầm cũng vậy, chúng ta đã có thể đảm bảo cung ứng tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước, thậm chí đang tiến tới xuất khẩu, nhưng mỗi năm vẫn có hàng chục ngàn tấn thịt gà nguyên con và phụ phẩm (chân gà, cánh gà, mề, tim gà…) nhập về do giá quá rẻ.
Theo: Thiên Ngân
Nguồn: Dân Việt