FAO đã trao đổi với các bộ trưởng trong cuộc họp "y tế và nông nghiệp" ở Indonesia rằng hệ thống giám sát dịch bệnh gia súc đòi hỏi phải được duy trì hỗ trợ và có một vai trò hết sức quan trọng trong việc ngăn chặn các mối đe dọa lên con người.
"Thú y vẫn là một trong những mắt xích yếu nhất trong việc làm thế nào để giảm các nguy cơ bùng phát dịch bệnh", Giám đốc thú y của FAO Juan Lubroth cho biết trong bài phát biểu chuyển giao tại một cuộc họp bàn nghị sự về An ninh Y tế toàn cầu (GHSA) tại Jakarta, Indonesia (ngày 20-21/8/2014) với sự tham dự của các cơ quan chuyên trách về sức khỏe con người và động vật cũng như các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới.
Theo ông Lubroth, dịch Ebola bùng phát hiện nay ở Tây Phi là một "lời nhắc nhở bi thảm" không chỉ của sự cần thiết phải tăng cường hỗ trợ cho các hệ thống y tế công cộng trên thế giới đang phát triển, mà còn về tầm quan trọng của việc đảm bảo rằng các nước có thể theo dõi và kiểm soát tốt dịch bệnh trên động vật.
Trong khi việc hạn chế lây truyền từ người sang người vẫn là mối quan tâm hàng đầu ở Tây Phi hiện nay, đại dịch bùng phát là do virus từ động vật hoang dã truyền lây sang cho người.
Các đại dịch gần đây trên người - như dịch cúm gia cầm, hội chứng hô hấp cấp tính (SARS) và hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) - đều được cho là có bắt nguồn từ động vật. Thật vậy, một báo cáo của FAO xuất bản năm ngoái (2013) nhấn mạnh rằng 70% các ca bệnh mới được phát hiện trong những thập kỷ gần đây có nguồn gốc động vật.
Chuẩn bị là chìa khóa
"Bệnh truyền lây từ động vật sang người thực sự là một mối quan tâm rất lớn, tuy nhiên chúng ta có thể hành động trước khi mầm bệnh kịp di chuyển từ vật sang người rồi bùng phát thành dịch, và gây ra những thiệt hại đáng kể về con người cũng như đời sống sinh hoạt", ông Lubroth cho biết.
"Muốn ứng phó tốt hơn khi đối mặt với những rủi ro như vậy, các nước cần chuẩn bị đầy đủ nguồn lực để có thể hiểu rõ hơn về nguồn gốc của mầm bệnh cũng như ngăn chặn chúng tiếp cận với con người ngay tại những nơi đầu tiên phát hiện ra. Bằng cách hiểu được các mối đe dọa lên sức khỏe động vật, chúng ta mới có thể lường trước những biến cố có thể xảy ra và từ đó giúp ngăn chặn những bi kịch không đáng có cho loài người", ông nói thêm.
Theo FAO, chúng ta cần xem xét lại cách hỗ trợ y tế toàn cầu mà cộng đồng quốc tế đang làm hiện nay, với trọng tâm mới chuyển dần sang đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống và năng lực chuyên môn ở cấp quốc gia nhằm giúp giảm bớt những rủi ro trong các tình huống khẩn cấp xảy ra ở nơi đầu tiên và tăng khả năng ứng biến, phục hồi của cộng đồng và hệ thống y tế để đáp ứng khi có biến cố.
Để hỗ trợ quá trình chuyển đổi như vậy, FAO và các đối tác đang ủng hộ phương pháp tiếp cận mới được gọi là "One Health", là phương pháp dựa trên sự tương tác giữa các yếu tố môi trường, sức khỏe động vật và sức khỏe con người. Trên cơ sở đó, các chuyên gia sức khỏe con người, các chuyên gia thú y, nhà xã hội học, kinh tế học , và sinh thái học cùng nhau cộng tác làm việc để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh.
Tại hội nghị ở Jakarta, 60 quốc gia cũng như các tổ chức quốc tế như FAO, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) đang thảo luận làm thế nào để hợp tác dưới sự bảo trợ của GHSA, một nỗ lực quốc tế nhằm tăng cường hệ thống y tế để giúp ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa dịch bệnh mới nổi.
Tại Jakarta, FAO cũng làm cho công tác phòng chống dịch bệnh tại thời điểm này trở nên tốt hơn nhờ việc gắn liền nó với các lợi ích phát triển dài hạn. Cả dịch bệnh trên động vật và con người đề có ảnh hưởng to lớn đến xã hội, như cắt giảm sản lượng lương thực và thực phẩm sẵn có làm ảnh hưởng đến an ninh lương thực trong ngắn hạn. Cũng như sự gián đoạn đời sống, nền kinh tế nông thôn kéo dài trong nhiều năm.
Hoa Đá tổng hợp