Tiêu chảy là một vấn đề phổ biến ở nhiều chú cún, lý do chủ yếu là vì chúng có thể dễ dàng cho bất cứ thứ gì vào miệng. Đôi khi, nguyên nhân gây tiêu chảy có thể do các vấn đề nghiêm trọng hơn, đòi hỏi người chủ phải thực sự quan tâm, để ý và gần gũi với cún nhiều hơn, nhất là trong những trường hợp tiêu chảy kéo dài.
Khi nào thì cún nhà bạn đang tiêu chảy?
Cún đi ngoài phân lỏng, đấy là dấu hiệu cần và đủ để khẳng định cún đang tiêu chảy. Ngoài ra, có thể kèm theo các vấn đề về đường ruột cũng như nôn mửa.
Chó bị tiêu chảy
Nguyên nhân chính gây tiêu chảy?
Cún có thể tiêu chảy do nguyên nhân bệnh lý hay nhiễm trùng, tuy nhiên nguyên nhân chính lại thường do thói quen nhặt, cắn, ăn rác của cún, thậm chí nhiều khi nuốt cả những vật thể lạ vào bụng. Nguyên nhân chính thứ 2 làm cún hay tiêu chảy nữa là do chế độ ăn uống bị thay đổi đột ngột.
Khi thấy cún tiêu chảy, tôi cần làm những gì?
Nếu cún không nôn mửa:
• Bỏ hết thức ăn trong bát của cún và kiểm soát trong 12 giờ tiếp theo chỉ cho cún uống nước.
• Hãy chắc chắn cún có nhiều nước sạch để uống, để tránh bị mất nước.
• Sau 12 tiếng đầu tiên, cho cún ăn nhẹ bằng cháo với 1 ít thịt gà nấu nhừ lên. Cứ cho cún ăn cháo như vậy đến khi phân trở lại như bình thường.
• Nếu cún vẫn tiêu chảy liên tục trong hơn 24 giờ hoặc bạn bắt đầu thấy phân có máu hay có bọc nhầy, hãy gọi bác sĩ thú y ngay lập tức.
Nếu cún nôn nhẹ:
• Bỏ hết toàn bộ thức ăn và nước trong vòng 12 giờ kể từ khi thấy cún nôn.
• Để tránh bị mất nước, cung cấp cho cún 1 viên đá nhỏ để nó liếm hoặc cho nó uống khoảng 1 thìa nước soda mỗi giờ.
• Khi cún ngừng nôn, cho cún ăn nhẹ bằng cháo với 1 ít thịt gà nấu nhừ lên. Ngoài ra, bắt đầu cho cún uống nước lại từ từ mỗi ít một.
• Quan sát tiếp khoảng 2 tiếng sau khi cún ngừng nôn để xem cún có bị nôn trở lại không:
o Nếu cún không nôn nữa: Tiếp tục cho cún ăn cháo như vậy đến khi phân trở lại như bình thường.
o Nếu cún có nôn trở lại: bỏ cháo gà, cho cún ăn cháo trắng với muối và cung cấp nước sạch từ từ cho đến khi thấy cún ngừng nôn và phân trở lại bình thường.
• Nếu cún vẫn tiêu chảy liên tục trong hơn 24 giờ hoặc bạn bắt đầu thấy phân có máu hay có bọc nhầy, hãy gọi bác sĩ thú y ngay lập tức.
Chẩn đoán.
Nếu cún nhà bạn thường xuyên bị tiêu chảy hay mức độ tiêu chảy là rất nghiêm trọng, bạn nên đưa cún đến bác sỹ thú y để tìm nguyên nhân tại sao. Các bác sỹ thú y tùy thuộc vào tình hình mà sẽ có hướng chẩn đoán nghi ngờ như có thể cún bị ngộ độc thực phẩm, ký sinh trùng đường ruột, nhiễm khuẩn, kém hấp thu, khối u, hay các vấn đề liên quan đến trao đổi chất…
Việc chẩn đoán có khi rất dễ dàng chỉ cần kiểm tra phân là biết nhưng đôi khi nó cũng rất khó khăn, thậm chí đòi hỏi dùng nhiều biện pháp chẩn đoán phức tạp như siêu âm bụng hay nội soi đại tràng…Tuy vậy, mức độ chẩn đoán đúng hay sai, nhanh hay chậm đôi khi phụ thuộc rất nhiều vào các thông tin do chủ nhân của cún cung cấp. Thông tin càng chi tiết, càng chính xác càng tốt.
Một số biện pháp giúp hạn chế và ngăn chặn cún bị tiêu chảy:
• Không cho phép cún nhặt, cắn, ăn rác.
• Không thay đổi chế độ ăn uống của cún đột ngột.
• Không nên cho cún gặm xương thật như đồ chơi ( nên chọn đồ chơi cho cún bằng chất liệu nhựa có pha ni lông).
• Không cho cún chơi với những đồ vật nhỏ, có thể cún sẽ nuốt chúng.
• Không nuôi cún bằng các phế phẩm, thức ăn thừa ôi thiu.
• Tẩy giun định kỳ cho cún.
Ảnh internet
Khi cún có dấu hiệu tiêu chảy, hãy bình tĩnh xử lý như các bước trên. Sự sáng suốt đúng lúc của bạn có thể cứu cún nhưng ngược lại, nếu bạn lúng túng, chậm chạp, thì những tác hại xảy ra với cún đôi khi là không thể lường trước được.
VietDVM team biên dịch
Theo petmd