Heo nái giống hay heo nái hậu bị là nhân tố quyết định trực tiếp đến năng suất sinh sản của đàn nái về sau cũng như ảnh hưởng gián tiếp đến năng suất chăn nuôi của toàn trang trại. Bởi vậy, việc chọn heo nái hậu bị làm giống lại càng cần phải hết sức kỹ lưỡng, tỉ mỉ, bài bản.
Xuất phát từ nhu cầu đó, VietDVM.com xin giới thiệu đến các bạn đọc, quý độc giả 3 bước hành động chi tiết, cụ thể để có thể chọn mua được những con heo nái hậu bị ưng ý nhất.
»› Lịch vaccine cho heo nái hậu bị hiệu quả
Bước 1: Tìm nguồn mua.
Cho đến hiện nay, nhiều người vẫn thường khuyến cáo các trang trại nên chọn hậu bị từ chính đàn heo của nhà mình, tuy nhiên điều đó chưa hẳn là tốt. Theo VietDVM.com, bạn nên tìm kiếm những công ty, cá nhân cung cấp con giống có uy tín lâu năm trên thị trường để chọn mua heo nái hậu bị.
Vì sao ư? Bởi vì việc tạo ra những con giống tốt là chuyên môn của họ, là công việc, là kinh nghiệm bao nhiêu năm của họ. Một công ty không thể tồn tại và phát triển được tốt nếu con giống của họ kém chất lượng.
Ngược lại, khi bạn tự chọn giống từ trại mình, có thể bạn biết rõ đời ông bà, bố mẹ của chúng nhưng một con heo nái hậu bị tốt ngoài dòng dõi tổ tiên ra còn do rất nhiều yếu tố khác quyết định mà kinh nghiệm của bạn đôi khi không đủ để đưa ra được những lựa chọn tốt nhất.
Vậy nên việc tự chọn lọc heo nái hậu bị từ heo con của trại chỉ phù hợp với những trại chăn nuôi nhỏ lẻ hay những trại có “tư duy nông dân cố hữu”. Cho dù chi phí đầu tư ban đầu của cách làm này thấp hơn nhưng về lâu dài, lợi ích kinh tế mang lại thì không cao bằng, do năng suất thấp, thời gian khai thác hiệu quả cũng không nhiều.
Bởi vậy, nếu bạn muốn trang trại của mình giống như một doanh nghiệp kinh doanh có lãi, hãy đầu tư khôn ngoan!
Các bạn có thể tham khảo và tìm hiểu thêm danh sách các địa chỉ cung cấp giống heo được khuyến cáo tại đây
Bước 2: Phải biết phân biệt heo khỏe và heo bệnh.
Tại sao? Hãy hình dung bạn “hì hục” mãi mới chọn ra được một con heo nái hậu bị có nguồn gốc tốt, lưng thẳng, ngực nở, hông rộng, bốn chân khỏe, cứng cáp, không vú lép…đầy đủ tiêu chuẩn để làm giống.
Nhưng khi bạn nhìn kỹ lại thì ôi thôi, bạn phát hiện ra những con heo này đang trong trạng thái lừ đừ, uể oải, xù lông, chậm chạp → Và bạn buộc phải loại bỏ dù đã rất mất công.
Bởi vậy, việc bạn nên làm đầu tiên sau khi tiếp xúc với đàn heo nái hậu bị là quan sát tổng thể để phát hiện và loại những heo ốm, bệnh. Đa phần heo khỏe hay bệnh sẽ biểu hiện khá rõ ra bên ngoài nên chúng ta có thể dễ dàng nhận biết thông qua các triệu chứng sau:
Sau bước tìm nguồn và bước loại bỏ heo ốm bệnh, chúng ta mới tiến hành bước chọn lọc cuối cùng và cũng là bước quan trọng nhất dựa vào các chỉ tiêu như giống, dòng (heo bố mẹ, ông bà), ngoại hình, tính nết.
»› Mẹo chăn nuôi heo – giảm stress trên heo nái trước khi sinh bằng giấy vụn
Bước 3. Chọn lọc heo nái hậu bị theo 4 tiêu chí.
Tiêu chí 1: Chọn giống.
Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của trại nhà mình mà chọn giống cho phù hợp. Ví dụ: nếu trại có điều kiện chăn nuôi tốt, chuồng trại hiện đại, kín đáo, kiểm soát được các yếu tố môi trường ảnh hưởng tới heo thì có thể chọn những giống có khả năng thích nghi kém một chút nhưng năng suất cao.
Ngược lại, nếu trại hở, chịu nhiều tác động của môi trường, ta nên ưu tiên chọn những giống có khả năng chống chịu tốt.
Các giống heo nái hậu bị đang được nuôi nhiều tại các trang trại lớn ở nước ta hiện nay thường là yorkshire và Landrace.
Tiêu chí 2: Chọn dòng.
Nên tìm hiểu kỹ lý lịch của heo mẹ (tốt nhất là cả heo bố) xem nết ăn nết ở có tốt không, nuôi con có giỏi không…Và lứa con này là lứa con thứ mấy của nó. Vì rằng chọn heo nái hậu bị làm giống từ heo mẹ quá tơ (đẻ lứa đầu) hoặc heo mẹ quá già (đẻ được chín mười lứa) đều không tốt. Nên chọn heo nái hậu bị từ lứa thứ ba, thứ tư làm giống mới tốt vì ở vào giai đoạn này heo mẹ rất sung sức, mọi cơ quan, bộ phận trong cơ thể nó đã phát triển toàn diện.
Chọn heo nái hậu bị giống từ những heo bố mẹ có tính đẻ sai, con đồng đều, to mập, khéo nuôi con, trọng lượng cai sữa cao, chu kỳ động dục đều và sớm động dục sau khi cai sữa.
Tiêu chí 3: Ngoại hình.
Nên chọn những con có vóc dáng cao to – heo đầu đàn – hợp với những nét đặc trưng của dòng giống của nó. Ngoại hình là một trong những loại tiêu chí vô cùng quan trọng trong chọn heo nái hậu bị nên trước khi đi chọn heo để mua, chúng ta nên nắm thật rõ các tiêu chí về ngoại hình như sau:
- Đầu và cổ: Đầu to vừa phải, trán rộng, mắt lanh.
- Vai và ngực: Vai nở đầy đặn. Ngực sâu, rộng. Đầu và vai liên kết tốt
- Lưng sườn và bụng: Lưng dài vừa phải, ít võng. Sườn sâu, bụng tròn, không xệ (heo ngoại). Lưng và bụng kết hợp chắc chắn
- Mông và đùi sau: mông dài vừa phải, rộng. Đùi sau đầy đặn, ít nhăn. Mông và đùi sau kết hợp tốt. Khấu đuôi to, luôn ve vẩy.
Lựa chọn ngoại hình heo ngoài các bộ phận như đầu, cổ, vai ngực, lưng bụng, mông đùi ra thì 3 bộ phận quan trọng hàng đầu còn lại là chân, núm vú và bộ phận sinh dục ngoài.
- Chân: Các vấn đề về chân là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc loại thải heo nái nhiều thứ 2. Heo hậu bị nên là những heo có bốn chân chắc chắn, khoảng cách giữa 2 chân trước và 2 chân sau rộng vừa phải, móng chân thẳng, không toè, đi đứng tự nhiên, không đi bàn.
Tham khảo các tiêu chuẩn về chân qua 3 hình ảnh dưới đây.
»› Bệnh mụn nước trên heo (Vesicular Disease) do một loại virus mới
»› Các nguyên nhân gây què ở heo nái
Tiêu chí chọn heo nái hậu bị - chân sau.
Bàn chân đạt chuẩn rất quan trọng cho sự phân bố trọng lượng heo nái và tránh những tổn thương trong quá trình sinh đẻ sau này của nái.
Bàn chân đạt chuẩn cần: rộng vừa phải; các ngón có khoảng cách vừa phải; ngón chân to, đều, kích thước ngón nếu chênh với tiêu chuẩn quá 1,27cm là không nên chọn.
Ngoài ra, kiểm tra kỹ lưỡng các vết nứt, vết mòn bàn chân và các vết thương khác.
Núm vú: Heo nái hậu bị đạt chuẩn nên có tổng cộng khoảng 14 vú (mỗi bên 7 vú), không có vú kẹ. Các núm vú nổi rõ và cách đều nhau, càng về phía sau khoảng cách các núm vú càng xa nhau hơn. Khoảng cách giữa 2 hàng vú đều, không quá xa hay quá gần.
»› Bảo vệ núm vú heo nái từ lúc 1 ngày tuổi
Bộ phận sinh dục ngoài: các vấn đề về sinh sản trên heo nái thường có thể được tiên đoán bằng cách đánh giá bộ phận sinh dục ngoài của heo. Nên tránh chọn những heo nái hậu bị có:
- Âm hộ nhỏ: thường là dấu hiệu cho thấy hệ thống sinh sản nội bộ kém phát triển hoặc chưa trưởng thành → nên tránh chọn những heo như vậy vì chúng thường khó giao phối và hay gặp khó khăn trong quá trình sinh đẻ.
- Âm hộ có quá nhiều lông: vì chúng thường khó nuôi và hay bị viêm tử cung, viêm bàng quang.
- Âm hộ có thương tích: ngay cả khi chúng đã lành thì vẫn có thể làm giảm khả năng giao phối hoặc gây khó khăn cho quá trình sinh đẻ.
»› Mẹo nhỏ: thụ tinh nhân tạo cho heo không cần dùng tay [Video]
»› Mẹo duy trì trạng thái hưng phấn trong thụ tinh nhân tạo cho heo
Tiêu chí 4: Tính nết heo nái hậu bị.
Nên chọn những con heo có tính hiền, không hung dữ với đồng loại. Nết ăn phải tốt: ăn không vung vãi, không sục mõm vào máng mò mẫm tìm thức ăn ngon ăn trước…Những heo kén ăn này dù dòng giống có tốt tới đâu thì cũng không nên chọn nuôi làm giống.
Như vậy, nếu muốn chăn nuôi thành công, mỗi trang trại, đặc biệt là những người trực tiếp phụ trách việc chọn heo nái hậu bị cần phải nắm rõ từng bước công việc của mình. Tránh những sai lầm không đáng có dẫn đến việc chọn lựa heo hậu bị không đạt tiêu chuẩn, ảnh hưởng đến chất lượng đàn nái cũng như năng suất toàn trại.
Bài viết trên đây là tổng hợp toàn bộ những kinh nghiệm, những bước hành động cụ thể trong quá trình chọn heo nái hậu bị làm giống. Ngoài ra trong bài viết chúng tôi cũng có đưa ra một số quan điểm trái chiều khá gay gắt, nhưng đó là toàn bộ những tâm huyết, những lời nhắn nhủ của cả đội ngũ VietDVM.com với mong muốn giúp những người chăn nuôi có thêm cách suy nghĩ từ góc nhìn của những người làm kinh tế - một góc nhìn thực tế và hiệu quả hơn. VietDVM.com rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp tích cực của quý độc giả từ khắp mọi miền tổ quốc để những bài viết của chúng tôi ngày càng hoàn thiện hơn, hữu ích hơn với cộng đồng.
Phạm Nga