Chăn nuôi gia cầm lấy trứng tại nước ta đang phát triển mạnh mẽ đặc biệt là chăn nuôi gà đẻ công nghiệp. Tại các trang trại chăn nuôi lớn quy mô sản xuất đã lên đến hàng vạn con/một trang trại.
Sau một thời gian thâm nhập thực tế chăn nuôi tạị các vùng chăn nuôi lớn chúng tôi đã biết được việc chăn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm đòi hỏi kỹ thuật rất cao, việc đầu tư cơ sở vật chất cho chăn nuôi cũng cần một số vốn không hề nhỏ đối với người nông dân. Các chi phí và xây dựng cơ bản được các chủ trang trại cho biết cũng lên tới hàng tỷ đồng. Chưa kể đến các chi phí phát sinh trong quá trình chăn nuôi như dịch bệnh, thiên tai và sự biến động của giá cả thị trường . . .
Trong bài viết này chúng tôi chỉ đề cập tới việc hạch toán các chi phí trong quá trình chăn nuôi bình thường và các khoản thu của trang trại để chúng ta có cái nhìn tổng quát hơn về ngành chăn nuôi gà đẻ trứng công nghiệp, cũng như hạch toán lợi nhuận cho trang trại của mình.
Gà đẻ công nghiệp
Chi phí sản xuất gồm có con gống, thức ăn, thuốc thú y, nhân công (công nhân và BSTY), và tiền điện, nước và các chi phí phát sinh khác.
Con giống
- Chăn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm (gà đỏ) hiện nay giá thị trường cho mỗi con gà hậu bị (gà 18 tuần) vào khoảng 120.000 đ/con.
- Các nhà chăn nuôi cũng có thể tự úm, nuôi hậu bị tuy nhiên để hạch toán cho giai đoạn đó chúng tôi sẽ đề cập trong những bài tiếp theo.
Như vậy để nuôi 10.000 con gà công nghiệp đẻ thương phẩm thì chi phí con giống là: 120.000 x 10.000 = 1.200.000.000 đ (1,2 tỷ đồng) (1).
Thức ăn
- Giá thức ăn chăn nuôi cho gà đẻ thương phầm hiện nay trên thị trường khoảng 10.000đ/kg.
- Nhu cầu một con gà đẻ giai đoạn này trung bình mỗi ngày ăn khoảng 115g/con/ngày.
- Gà đẻ thương phẩm chúng ta thường khai thác 1 năm (365 ngày). Vậy một con gà trong quá trình nuôi sẽ sử dụng hết: 115 x 365 = 41.975 g (gần 42kg).
Như vậy: chi phí thức ăn cho một con gà đẻ trong suốt quá trình nuôi là: 10.000 x 42 = 420.000 đ. Để nuôi 10.000 con chi phí cho cả quá trình là 420.000 x 10.000 = 4.200.000.000đ (4,2 tỷ đồng) (2).
Thuốc thú y
Đây là chi phí rất khó tính toán do vậy tôi chỉ đưa ra con số tham khảo vì còn phụ thuộc quy trình mỗi trại, loại thuốc sử dụng và môi trường tại khu vực nuôi.
- Vaccine:
Khi bắt gà 18 tuần tuổi đã được tiêm chủng hết các loại vaccine cần thiết tuy nhiên theo một số khuyến cáo cũng như trong thực tế chăn nuôi, các trang trại còn sử dụng thêm 1 mũi vaccine Newcastle lúc 20 tuần tuổi (chi phí cho mũi tiêm này khoảng 700đ/con) và cho uống định kỳ vaccine newcastle 4 tuần 1 lần, cả quá trình nuôi một năm cần cho uống 13 lần (chi phí mỗi lần cho uống là 150đ/con). Tổng chi phí cho sử dụng vaccne trong giai đoạn này cho mỗi con gà là 700 + (150 x 13) = 2.650đ/con.
- Thuốc thú y:
+ Sử dụng kháng sinh phòng trong quá trình nuôi, theo một số trang trại sử dụng kháng sinh 1 tháng 1 lần (mỗi lần 3 ngày) chi phí cho mỗi lần sử dụng là 180đ (trong quá trinh nuôi cần dùng 12 lần do đó chi phi cho thuốc kháng sinh là 180 x 12 = 2.160đ/con).
+ Sử dụng thuốc bổ trong quá trình nuôi nhằm nâng cao sức đề kháng, giảm stress và tạo sự ổn định cho đàn gà. Chi phí cho sử dụng thuốc bổ là 600đ/con/năm (sử dụng tháng 1 lần mỗi lần 3- 5 ngày).
Vậy tổng chi phí thuốc thú y cho mỗi con gà là: 2.650 + 2.160 + 600 = 4.870 đ. Với trang trại nuôi 10.000 con chi phí thuốc thú y sẽ là: 10.000 x 4.870 = 48.700.000 đ (48,7 triệu đồng) (3).
Nhân công
- Công nhân tại trại chăn nuôi được trả 3.500.000đ/người/tháng (3,5 triệu đồng/người/tháng). Với trại có quy mô 10.000 con cần 4 nhân công. Chi phí cho nhân công là: 4 x3.500.00 = 14.000.000đ/tháng, trong một năm chi phí cho nhân công là 14.000.000 x 12 = 168.000.000đ (168 triệu đồng).
- BSTY cho trang trại 10.000 con cần 1 bác sỹ thú y. Mức luong trung bình hiện nay với người có thể đứng trại là khoảng 8.000.000đ. Trong 1 năm chi phí cho BSTY là 12 x 8.000.000 = 96.000.000đ (96 triệu đồng).
Như vậy tiền chi cho nhân công trong một năm sẽ là 168.000.000 +96.000.000 = 264.000.000đ (264 triệu đồng) (4).
Tiền điện nước và các chi phí phát sinh khác cho trại 10.000 gà trung bình khoảng 6.000.000đ/tháng. Chi phí cho một năm chăn nuôi về tiền điện nước là khoảng 12 x 6.000.000 = 72.000.000đ (72 triệu đồng) (5).
Tổng chi phí chăn nuôi của trại gà đẻ công nghiệp (chưa tính hao phí chuồng trại) bằng: 1 + 2 + 3 + 4 + 5 = 5.784.700.000 đ ( 5,78 tỷ đồng).
Các khoản thu nhập trong quá trình chăn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm gồm có thu nhập từ tiền bán trứng và bán gà loại thải (chúng tôi không tính tới tiền bán phân gà).
Tiền bán trứng.
Mỗi năm một còn gà đẻ trứng thương phẩm theo tiêu chuẩn sẽ đẻ được 340 quả trứng.
Tỷ lệ chết trong quá trình nuôi là 5%.
Vậy trại có quy mô 10.000 con mỗi năm sẽ thu được 10.000 x 95% x 340 = 3.230.000 quả trứng.
Với giá trứng trung bình hiện nay vào khoảng 1.750 đ/quả → thu nhập từ trứng sẽ là: 1. 750 x 3.230.000 = 5.652.500.000 đ (5,65 tỷ đồng) (I).
Tiền bán gà loại
Giá gà loại trên thị trường trung bình là khoảng 60.000đ/kg.
Giai đoạn loại thải gà đạt khối lượng 1,9kg. Tổng số gà con lại là 10.000 x 95% = 9.500 con.
Tổng số tiền thu từ bán gà loại là: 9.500 x 1,9 x 60.000 = 1.083.000.000đ (1,08 tỷ đồng). (II)
Vậy tổng thu nhập sẽ là: I + II = 6.735.500.000 đ (6,73 tỷ đồng)
Như vậy với chi phí bỏ ra gần 6 tỷ đồng, trong vòng một năm chúng ta sẽ có thu về gần 1 tỷ đồng (với quy mô trang trại 10.000 con gà đẻ thương phẩm).
Trên đây là hạch toán chi phí chăn nuôi chưa tính chi phí xây dựng chuồng trại và hao phí chuồng nuôi trong quá nuôi. Bản hạch toán cũng chưa tính những rủi ro khi chăn nuôi gặp dịch bệnh.
Tất cả các chi phí và doanh thu được tính trên cơ sở giá cả thị trường tham khảo trong năm vừa qua. Tùy thuộc vào mô hình chăn nuôi cũng như khu vực chăn nuôi mà có sự điều chỉnh sao cho phù hợp với trang trại của mình.
VietDVM team