Các thành viên của hội đồng gia cầm quốc tế (IPC) đã bàn bạc và thống nhất với nhau về việc áp dụng một chiến lược mới hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và đề ra những nguyên tắc mới cho ngành chăn nuôi gia cầm.
Sự chấp thuận của 17 thành viên IPC được diễn ra gần đây tại một hội nghị ở Banff, Alberta. Mục tiêu cụ thể của chiến lược là làm sao đảm bảo nguồn cung protein hàng đầu cho thế giới nhưng vẫn giữ được chất lượng và mức giá cả phải chăng.
Theo Tiến sĩ Anne-Marie Neeteson của Aviagen, chủ tịch Nhóm công tác của IPC về Môi trường và Phát triển bền vững, chiến lược này xoay quanh 3 yếu tố chính là kinh tế - xã hội – và môi trường.
Để có được sự thống nhất về một chiến lược hành động chung như trên, ngoài các nước thành viên IPC ra thì còn có sự tham gia của các nước khác và đội ngũ các chuyên gia đầu ngành của các nước đã làm việc miệt mài trong vòng gần một năm qua. Các cuộc thảo luận bắt đầu một cách nghiêm túc tại hội nghị IPC ở Lisbon vào cuối năm 2016.
“Thách thức của chúng tôi là phải đưa ra một chiến lược làm sao vừa thúc đẩy tăng trưởng cho ngành nhưng lại vừa phải đảm bảo khắc phục được những hạn chế về môi trường và xã hội”, Tiến sĩ Neeteson cho biết thêm.
Chiến lược này có thể được liên kết với các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) được đề ra bởi liên hiệp quốc vào năm 2015. IPC sẽ làm việc với liên hiệp quốc về việc liên kết này trong vòng vài tháng tới.
Chăn nuôi gia cầm bền vững và không gây tác động xấu lên môi trường.
Mục tiêu trong vấn đề này là làm sao cho toàn bộ những bên liên quan trong ngành: từ trang trại chăn nuôi gia cầm, nhà máy thức ăn chăn nuôi, công tác quản lý chất thải, khí thải, sử dụng nước và phân phối chuỗi cung ứng giảm thiểu tối đa tác động lên môi trường mà không ảnh hưởng tới sức khỏe động vật cũng như những vấn đề phúc lợi liên quan.
Chăn nuôi bền vững đảm bảo các vấn đề xã hội.
Mục tiêu nữa của chiến lược chăn nuôi bền vững là phải đảm bảo các vấn đề xã hội nhức nhối hiện nay như an toàn thực phẩm, an ninh lương thực, sức khỏe động vật và phúc lợi vật nuôi.
Cụ thể là làm sao để đảm bảo nguồn cung ứng thịt gia cầm đạt yêu cầu cả về chất lượng và số lượng trước một dân số thế giới ngày càng tăng như hiện nay.
Chăn nuôi gia cầm bền vững đảm bảo mục tiêu kinh tế.
Mục tiêu kinh tế là làm sao cho các công ty chăn nuôi gia cầm, nhà sản xuất và các ngành công nghiệp liên quan như chế biến, chuỗi cung ứng thực phẩm…có thể phát triển và mở rộng một cách bền vững nhưng vẫn tôn trọng các nguyên tắc của an ninh lương thực và vẫn có thể giúp cải thiện chế độ dinh dưỡng của con người.
“Làm thế nào để xây dựng một ngành chăn nuôi bền vững là chủ đề mà quốc gia nào cũng quan tâm và được thảo luận nhiều nhưng hiếm khi đi đến thống nhất thành quy định, quy tắc, hành động…vì nó đòi hỏi một sự cân bằng vô cùng tinh tế giữa sự “bền vững” với các mục tiêu kinh tế khác”, chủ tịch IPC - Jim Sumner – và cũng là chủ tịch của hiệp hội xuất khẩu trứng và thịt gia cầm Mỹ.
“Sắp tới, ngành công nghiệp chăn nuôi gia cầm của chúng ta cần có thêm nhiều bước tiến hơn nữa, cần tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa nhằm bắt kịp với sự gia tăng của dân số thế giới. Mặc dù, gia cầm đã là loại protein động vật bền vững với môi trường và có thể sản xuất một cách hiệu quả nhất nhưng chúng ta luôn cần phải đi trước những thách thức mới có thể đáp ứng được những biến đổi trong tương lai. Chiến lược phát triển bền vững với 3 yếu tố chính như trên sẽ giúp chúng ta làm được điều đó”.
IPC đã được thành lập và hoạt động từ cách đây 12 năm bởi các quốc gia có nền chăn nuôi gia cầm hàng đầu thế giới với mục đích nhằm xác định những lĩnh vực quan tâm chung cũng như đề ra các chiến lược phát triển nền chăn nuôi toàn cầu. Tổ chức này hiện có 24 quốc gia thành viên và 55 thành viên liên kết đại diện cho hơn 90% nền chăn nuôi gia cầm trên thế giới. Marilia Rangel Campos của Brazil đóng vai trò tổng thư ký của tổ chức.
»› [Inphographic] 6 quan niệm sai lầm phổ biến về chăn nuôi gà thịt công nghiệp
VietDVM team dịch.
(Theo: wattagnet).