Sự lây lan rộng rãi và nhanh chóng chưa từng có của dịch cúm gia cầm H5N1 trên khắp châu Á vào năm 2004 và nguy cơ về một đại dịch cúm mới ở người làm cho các tổ chức y tế về sức khỏe con người và động vật bắt đầu ngồi lại làm việc với nhau một cách nghiêm túc về nguy cơ cũng như các biện pháp khắc phục.
Phương pháp “One health” là một phương pháp kiểm soát mầm bệnh tổng thể từ trên cơ thể người, trên cơ thể động vật và mầm bệnh trong môi trường.
Bài viết được trích dẫn từ cuốn sách sắp xuất bản: “một trường hợp nghiên cứu y tế: cách giải quyết một vấn đề phức tạp trong một thế giới nhiều thay đổi” (One Health Case Studies: Addressing Complex Problems in a Changing World) chỉnh sửa bởi Susan Cork, David Hall và Karen Liljebjelke, nói về việc Newzealand đã kiểm soát cúm gia cầm một cách rất hiệu quả bằng phương pháp này như thế nào – đây cũng chính là một ví dụ điển hình, một bài học cho các quốc gia khác trên thế giới nếu muốn kiểm soát các bệnh truyền lây.
Do sự di chuyển thường xuyên của con người và động vật trong nội tại mỗi nước và giữa các nước với nhau nên virus hiện nay không còn đặc thù cho từng quốc gia, tùng vùng nữa. Điều đó gây ra một nguy cơ nhiễm bệnh tiềm ẩn cho các nước như Newzealand, mặc dù vị trí của Newzealand mang lại cho nó những điều kiện an toàn sinh học rất tuyệt vời.
Kiểm soát mầm bệnh bằng phương pháp “One health” là cực kỳ quan trọng đối với bệnh cúm gia cầm vì virus cúm trong cơ thể động vật hoang dã, trong nước và trong cơ thể con người có mối liên hệ rất mật thiết, gần gũi với nhau. Bằng chứng là việc virus truyền lây rất nhanh trong quần thể vật nuôi (đặc biệt là thủy cầm), thậm chí sang người và gây bùng phát đại dịch trên người nhanh đến nỗi rất khó có thể kiểm soát tốc độ lây lan của nó.
Phương pháp “One health” cần có sự tham gia của hàng loạt các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực như y tế, thú y, môi trường mới có thể ngăn chặn và kiểm soát một cách hiệu quả, đặc biệt là các bệnh truyền lây từ động vật sang người. Trên tinh thần đó, chính phủ Newzealand đã bắt tay ngay vào hoạch định các chính sách nhằm hỗ trợ, thúc đẩy công tác phòng và kiểm soát bệnh truyền lây một cách hiệu quả.
Một phần trong các chính sách đó là chính phủ Newzealand đã thành lập trung tâm quốc gia liên ngành về an toàn sinh học và bệnh truyền nhiễm (NCBID) vào năm 2004. Mục tiêu của trung tâm là tạo điều kiện tăng cường hợp tác giữa các cơ quan chính phủ như Bộ Công nghiệp Cơ bản (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Bộ Y tế cũng như các tổ chức khác như AgResearch.
Việc thành lập trung tâm này cho phép các tổ chức liên quan chia sẻ thông tin một cách nhanh chóng, phối hợp làm việc đội nhóm nhịp nhàng và giải quyết hiệu quả công việc chung. Từ đó giúp phát triển các kỹ năng “làm việc chéo” giữa các bộ với nhau, đồng thời giúp phát huy tối đa hết năng lực khoa học và kỹ thuật của quốc gia một cách bền vững, hỗ trợ trực tiếp cho những khu vực hẻo lánh, xa trung tâm trên đất nước Newzealand.
Xem thêm:
- Các bệnh thường gặp trên gia cầm
- Biện pháp phòng và kiểm soát bệnh cúm gia cầm
Newzealand đã kiểm soát virus cúm gia cầm như thế nào?
Trong lịch sử, dịch cúm gia cầm chưa bao giờ là vấn đề đối với Newzealand. Các nghiên cứu về cúm gia cầm đầu tiên ở Newzealand là trên loài chim hoang dã được tiến hành từ năm 1975 đến năm 1978, cũng phân lập được một số con virus nhưng chỉ từ vịt trời (dựa theo tài liệu nghiên cứu về vịt trời (platyrhynchos Anas), giới thiệu về Newzealand bởi những người thực dân đến từ châu Âu và Bắc Mỹ từ những năm 1860.
Nhiều nghiên cứu khác cũng đã tập trung vào con vịt trời nhưng kể từ năm 2004, người ta bắt đầu giám sát một số loài chim di cư được lựa chọn, cũng như theo dõi các quần thể chim hoang dã đang cư trú tại Newzealand mà có phản ứng mạnh với các chủng cúm gia cầm độc lực cao trên thế giới.
Newzealand không nằm trên cung đường di cư phổ biến của một số loài chim và thủy cầm hoang dã chính nên có hạn chế được sự lây lan cúm gia cầm một chút, dù vậy thi thoảng vẫn có một số thủy cầm hoang dã di cư từ Úc sang.
Hoạt động giám sát của Newzealand với cúm gia cầm là một phần quan trọng trong phương pháp tiếp cận “One health” của một quốc gia đối với bệnh truyền nhiễm. Những hoạt động quan trọng này liên quan tới nhiệm vụ của chính phủ trong việc bảo vệ “lợi ích chung” của đất nước vì cúm gia cầm là bệnh truyền lây giữa người và động vật nên đây là trách nhiệm chung của chính phủ Newzealand và tất cả các bộ ngành liên quan.
Ngoài theo dõi, giám sát chim hoang dã, vịt trời, chương trình giám sát của Newzealand còn tập trung vào đàn gia cầm thương mại:
- Tham vấn cho những cá nhân, tổ chức liên quan trong ngành về mọi vấn đề liên quan: cách phát hiện, phòng, kiểm soát cục bộ...
- Truyền thông mạnh mẽ giúp người dân giảm bớt những lo lắng, căng thẳng với dịch cúm gia cầm.
- Theo dõi chặt chẽ dịch tễ từng khu vực nhỏ một theo chiều ngang (tương đương với các cấp thôn, xóm, xã, huyện, tỉnh, khu vực như ở Việt Nam). Đặc biệt là hoạt động của các lĩnh vực then chốt trong ngành công nghiệp gia cầm.
- Một cuộc khảo sát kiểm tra huyết thanh học trên diện rộng được tiến hành nhưng không tìm thấy dấu hiệu nào của virus cúm gia cầm chủng H5 hay H7 trên đàn gà thương mại ở Newzealand. Điều đó cho thấy ngành công nghiệp gia cầm nước này đã tuân thủ rất tốt các biện pháp an toàn sinh học.
Tuy nhiên cuộc điều tra lại tìm thấy bằng chứng về việc đã từng có sự tiếp xúc của chủng cúm gia cầm độc lực thấp với những gia cầm trong một trang trại nuôi theo kiểu “lồng tự do”.
Hoạt động giám sát khác bao gồm một dự án hợp tác nghiên cứu của NCBID để lấy mẫu trên các loài gia cầm, nhất là “gà đi bộ” (hay gà thả vườn, được nuôi thả tự do trên diện tích rộng) – những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh và truyền lây cao bằng các con đường như tiếp xúc trực tiếp với chim hoang dã hoặc sử dụng nước uống bị nhiễm virus cúm gia cầm.
Từ những trăn trở này, một chương trình giám sát thụ động tăng cường đã được đưa ra để theo dõi tất cả các ca bệnh gia cầm và ca tử vong trên tất cả các loài gia cầm ở Newzealand, mọi thông tin dịch bệnh kỳ lạ đều có thể báo cáo qua đường dây nóng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI).
Kế hoạch chuẩn bị của Newzealand nếu có dịch cúm gia cầm xảy ra.
Dựa trên phương pháp tiếp cận “one health”, Newzealand cũng đã chuẩn bị một kế hoạch ứng phó nếu đất nước nhiễm cúm gia cầm nên họ luôn sẵn sàng, chủ động ở bất kỳ thời điểm nào.
Do dịch tễ bệnh khá phức tạp của cúm gia cầm - nhiều loài động vật cảm nhiễm (kể cả con người) - nên kế hoạch ứng phó với cúm của họ là một ma trận các hành động. Một “hành động của toàn bộ chính phủ” sẽ được áp dụng đối với các chủng virus cúm gia cầm có tính chất truyền lây sang người như H5N1.
Nêu Newzealand xuất hiện những chủng virus cúm nguy hiểm, mỗi cơ quan, bộ ngành đều phải nắm rõ vai trò của mình, các kiến thức cần biết, luật pháp liên quan và danh sách các hành động của tổ chức mình trong cuộc đại dịch đó. Ngoài ra, nếu các chủng cúm gia cầm không truyền lây sang người mà tấn công thì mọi hành động sẽ được chỉ thị bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Nhận thấy sự nguy hiểm của bệnh:
- Sự truyền lây cúm gia cầm là do những nhân tố có nguồn gốc động vật tác động → khó kiểm soát, đặc biệt là với những nông dân trong ngành chăn nuôi gia cầm và người lao động trên các trang trại thương mại cũng như trang trại chăn nuôi “gà đi bộ”.
- Có khả năng gây bệnh trên diện rộng.
- Nếu nổ dịch sẽ ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế của ngành công nghiệp chăn nuôi gia cầm.
Nên một số dự án hợp tác đã được chính phủ Newzealand quan tâm và phát triển rộng rãi.
Các dự án này được tiến hành nhằm mục đích: bổ sung kiến thức, thông tin, con số thực tế cho các trang trại gia cầm, những người liên quan trực tiếp trong ngành chăn nuôi gia cầm (từ chăn nuôi gà, vịt, chim cảnh…). Và quan trọng nhất là các kiến thức về:
- Phương pháp quản lý chăn nuôi phù hợp với từng đối tượng trại.
- Các biện pháp an toàn sinh học.
- Các biện pháp thực hành bảo vệ sức khỏe con người trước virus cúm gia cầm.
Những bản kế hoạch này được thiết kế nhằm giúp Newzealand sẵn sàng ứng phó với bất kỳ biến chủng mới nào của virus cúm gia cầm, dù vậy nâng cao năng suất đầu ra vẫn là mục tiêu số 1. Đồng thời với đó Newzealand còn chuẩn bị cả kế hoạch phục hồi nền chăn nuôi sau đại dịch như thế nào. Nhiều kế hoạch nhỏ trong tổng thể kế hoạch lớn này yêu cầu cần có sự hợp tác liên ngành trên cả 2 lĩnh vực sức khỏe con người và động vật.
Bài học về kế hoạch chuẩn bị của ngành công nghiệp chăn nuôi gia cầm Newzealand không chỉ là bài học cho các ngành chăn nuôi khác mà còn là bài học cho ngành chăn nuôi toàn thế giới noi theo.
Kết luận.
Cách phản ứng của chính phủ Newzealand đối với cúm gia cầm thực sự là một ví dụ điển hình trong việc áp dụng hiệu quả phương pháp tiếp cận “One health” trong công tác kiểm soát bệnh truyền nhiễm nói chung.
Bài viết cũng cho thấy giá trị to lớn của việc liên kết, hợp tác, phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ ngành, tổ chức liên quan đã tạo ra nhiều cơ hội quý báu như thế nào trong việc giám sát mầm bệnh và công tác chuẩn bị kế hoạch đối phó khi dịch nổ ra.
Không có bất kỳ một công thức thành công cụ thể nào cho chúng ta nếu muốn kiểm soát bệnh truyền nhiễm theo phương pháp “One health”. Muốn thành công đòi hỏi mỗi chính phủ cần có các biện pháp quản trị mạnh mẽ, mục tiêu thống nhất, thông tin liên lạc rõ ràng và một ngôn ngữ chung cụ thể. Quan trọng hơn nữa chính là các đơn vị, các tổ chức liên quan không thể thiếu để chuyển giao toàn bộ kế hoạch trong khuôn khổ hợp tác và liên kết với nhau.
VietDVM team dịch
(theo thepoultrysite)